Nguồn vnexpress

So với ít nhất 10-15 năm trước, một cá nhân mong muốn tiếp cận khoản vay thì chỉ nghĩ được đến hình thức vay thế chấp, đa số là vay bằng sổ đỏ. Tuy nhiên, khi nào được duyệt vay hoặc có được duyệt vay hay không, rồi khi nào được giải ngân là điều không thể nói trước được. Chính vì vậy, nhiều người đã nghĩ đến vay “nóng” – hình thức vay không chính thống và có lãi suất theo thỏa thuận, cũng không minh bạch.

Thị trường tài chính tại Việt Nam hiện nay đã phổ biến, mở rộng và đa dạng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, dù rất tiện lợi nhưng nếu không nắm kỹ các quy định về lãi suất, điều khoản thanh toán thì khách hàng có thể gánh thêm khoản nợ lớn hơn rất nhiều.

Số liệu cập nhật từ Chi hội Thẻ (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cho biết, doanh số sử dụng thẻ tín dụng quốc tế tăng trung bình 33%/năm trong từ 2018 đến 2020. Trong 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ này tăng 32% so với cùng kỳ, đạt 219.611 tỷ đồng.

Còn theo số liệu của Hiệp hội Thẻ Việt Nam, thẻ tín dụng đã được phát hành từ năm 2001. Tính đến hết tháng 6/2021, Việt Nam có hơn 6,5 triệu thẻ tín dụng phát hành bởi gần 40 tổ chức phát hành.

Dù tỷ lệ sở hữu thẻ tín dụng trong dân tại Việt Nam còn khá thấp so với các nước châu Âu, Mỹ nhưng số lượng thẻ đang lưu thông đã phổ biến, trở thành phương tiện chi tiêu chủ yếu của rất nhiều người. Thậm chí, một cá nhân còn sở hữu nhiều hơn một thẻ tín dụng.

Chính vì vậy, các tổ chức phát hành liên tục phát triển các tiện ích đi theo thẻ. Trong đó có trả góp 0%, vay tiền hoặc rút tiền mặt từ thẻ tín dụng… Các hình thức tiện lợi này đều có đích đến chính yếu là khuyến khích khách hàng chi tiêu thật nhiều trên tấm thẻ được cấp.